LỚP HỌC HẠNH PHÚC CỦA CÔ
Lượt xem:
Nghề giáo đến với tôi như một phép nhiệm màu. Đó là điều mà tôi thường nói với lũ bạn của tôi, bởi trước đây tôi học ngành quản trị văn phòng. Ngã rẽ bước vào ngành giáo dục đó là khi tôi xin được việc làm tại một ngôi trường nhỏ trên địa bàn huyện Cư Kuin- Đăk Lăk, nơi tôi sinh ra và lớn lên, trường Tiểu học Hoàng Hanh. Ngôi trường nhỏ ấy cũng rất đặc biệt, nơi tập trung hơn 80% giáo dân công giáo, vì vậy giáo dục luôn luôn được quan tâm.
Vì say mê với tà áo dài khi ngắm nhìn các cô mỗi khi tới lớp; Vì say mê tiếng gõ thước mà tôi ngỡ giai điệu du dương; Vì say mê con chữ mà tôi quyết tâm đi học ngành sư phạm. Cơ duyên ấy làm tôi như bồng bềnh trên mây. Khi được chuyển sang làm công tác chủ nhiệm, lớp 3 năm ấy đối với tôi là một trải nghiệm thú vị, cô trẻ, trò nhỏ cứ thế say mê học tập, bài giảng cứ thế du dương như bàn tay lướt nhẹ qua những phím đàn. Và rồi phương pháp dạy học của tôi có thêm nhiều màu sắc khi tôi được phân công chủ nhiệm những viên gạch đầu tiên của ngôi nhà Hoàng Hanh: Lớp 1.
Đúng là phải dạy mới thấu hiểu nổi vất vả của các cô dạy lớp 1, và từ đó tôi thầm ngưỡng mộ các đồng nghiệp của mình. Cô khối trưởng động viên: “Hãy dạy bằng trái tim em nhé, cô tin em làm được nè”; Câu nói ấy dịu dàng biết bao như trao một niềm tin tưởng tuyệt đối vào sứ mệnh của một người giáo viên như tôi. Bắt nhịp với niềm tin tưởng ấy cộng thêm tôi được tiếp cận với chương trình GDPT 2018, những đợt tập huấn trên tỉnh, tôi đã thay đổi phương pháp dạy của mình để phù hợp với nội dung dạy học: Phương pháp phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh.
Học sinh niên học 2020-2021, là đối tượng học sinh đầu tiên của chương trình GDPT 2018, dạy học tích cực và chủ động, học sinh tự do phát triển năng lực của mình qua những tiết học sôi nổi, qua những bài học mới mẻ. Tôi nhớ như in những cô bé, cậu bé học trò niên học đó tròn xoe đôi mắt nhìn những quyển sách mới như đang khám phá một chân trời mới, trong ánh mắt đó tôi đọc được ước mơ siêu giản dị của trò. Kết thúc một bài dạy liên quan, tôi thường hỏi sau này em ước mơ được làm gì, và hàng loạt câu trả lời được vang lên với nhiều đáp án khác nhau với những nhiệt huyết của tuổi “măng non”. Những bài học lúc ấy sinh động qua trang sách mới chứ chưa xã hội hóa như bây giờ, không có tivi, máy chiếu, không máy tính và thiết bị hiện đại nhưng lại có nhiệt huyết của tuổi thanh xuân, no căng và tràn đầy nhựa sống.
Trải qua chuyến đò năm thứ 4 với lớp 1 của tôi, đó như là một trải nghiệm thú vị, trầm bổng cũng có, gập ghềnh cũng có, bởi lẽ những viên kim cương ấy khi trao cho tôi phụ huynh cũng đã gửi trọn niềm tin nơi tôi, tin vào người lái đò như tôi, thì sao tôi lại không thể vững tay chèo được cơ chứ.
Nhìn những gương mặt ngây thơ bước vào lớp trong tôi lại dấy lên một niềm yêu thương đến lạ. Và tiết học bắt đầu với hoạt động khởi động đầy hứng thú: Hái táo; Đuổi hình bắt chữ; Đi siêu thị; Nhanh như chớp nhí … rồi sau đó là một chuỗi hoạt động học vừa thú vị vừa bổ ích. Những hoạt động vận dụng được các em thể hiện chân thật, phản ánh ánh nhìn đa chiều qua thế giới trẻ thơ như: phân vai lên diễn tình huống, thảo luận, sau đó chia nhau hỏi và trả lời, hoặc có thể lồng ghép học thông qua chơi.
Sau những ngày tháng dày công văn ôn võ luyện thì cũng là lúc các em được trải nghiệm với những chủ đề: Tri ân thầy cô, An toàn giao thông, ngày hội đọc sách … Nhận thấy các em chủ động bắt nhịp để hòa vào không khí của buổi sinh hoạt, cô chỉ cần lên kế hoạch, trò nổ lực thực hiện, sai đâu sửa đó, cứ thế dần dần hoàn thiện năng lực bản thân và cũng hoàn thiện phẩm chất của mình.
Cô là người gieo hạt, con bắt đầu bước vào lớp 1 của cấp tiểu học thì cô sẽ gieo sao hạt giống ấy mọc lên tươi tốt một cách có thể. Cô cũng sẽ cố gắng gieo những điều hay, lẽ phải vào nhân cách con để con tự thể hiện bản năng của mình một cách xuất sắc nhất có thể. “Gieo suy nghĩ, gặt hành động, gieo hành động gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận” câu nói bất hủ của Samuel Smiles đã ăn sâu vào tiềm thức của tôi nên khi dạy học tôi phải làm cho học trò mình cảm nhận được niềm hạnh phúc của mình khi được cắp sách đến trường. Tôi phải là một người gieo hạt điêu luyện.
Khi dạy phải hướng trái tim mình vào hướng mặt trời, đủ ấm áp thì ta sẽ nhận đủ yêu thương, như Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đã viết “Chỉ có trái tim yêu thương mới gieo mầm hạnh phúc”. Tôi cũng mong sao lớp học của tôi mỗi khi con cất bước ra khỏi trường, điều đầu tiên là con nở nụ cười thật tươi trên môi, nụ cười đó chỉ có thể là nụ cười của sự hạnh phúc.
Những lần chủ nhiệm lớp là những lần lắng đọng những nỗi niềm riêng, mỗi lớp mang một màu sắc riêng, mỗi năm lại đúc rút thêm nhiều kinh nghiệm dạy học, vì thế tôi gọi lớp học của tôi là một “Lớp học hạnh phúc” bởi trong đó có những viên ngọc đang được mài, có bác thợ mài ngọc không quản khó khăn dũa ngọc để ngọc được tròn hơn, bóng hơn.
Tác giả: Phan Thị Trúc