Cuộc thi viết: “Những kỉ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường”

Lượt xem:

Đọc bài viết

 

Họ và tên: Hoàng Thị Thảo Anh

Nơi công tác: Trường TH Hoàng Hanh

Địa chỉ: Thôn 4 – xã Ea Bhôk – huyện Cư Kuin – tỉnh Đăk Lăk

Số điện thoại: 0961588234

NGÔI TRƯỜNG ĐẦU TIÊN

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”

Hôm nay, khi được nghe nhà trường phổ biến về cuộc thi “Viết những kỉ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường năm 2023” thì cảm xúc trong tôi lại ùa về những kỉ niệm về những ngày tháng ở mái trường đầu tiên mà tôi đã gắn bó trong sự nghiệp trồng người của mình.

3 năm ở ngôi trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đăk Trôi, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, không quá dài nhưng cũng không phải là ngắn. Khoảng thời gian đó đã giúp tôi trưởng thành và vững vàng hơn rất nhiều. Là một trường học thuộc vùng 3, vùng đồng bào dân tộc thiểu số người Ba Na. Nghe đến đây, chắc các bạn cũng đoán được đây không phải là một trường thuận lợi phải không ạ? Vâng, một ngôi trường dường như là ngôi trường xa nhất của huyện Mang Yang, thuộc xã nghèo nhưng người dân nơi đây hiền lành, vô cùng chất phác. Học sinh thì ngoan ngoãn, dễ thương và đáng được thương vì những sự thiệt thòi mà các em phải chịu. Chính vì vậy, để những người giáo viên nơi đây có thể bám trụ với nghề thì phải thật sự yêu nghề, yêu trẻ và có một cái tâm thật là vững vàng. Bản thân tôi, là một giáo viên trẻ, tuy chỉ gắn bó với ngôi trường này được 3 năm, nhưng tôi học hỏi được rất nhiều từ những người thầy, người cô, người anh, người chị ở đó. Có người đã gắn bó 7 năm, có người 10 năm, có người cả 20 năm. Thoạt đầu, mới về trường tôi khá là e dè, lo lắng vì trong trí tưởng tượng của tôi, ngôi trường mà sau khi ra trường tôi về giảng dạy chắc phải là một ngôi trường khang trang, học sinh thì sẽ luôn ăn mặc tươm tất và có cuộc sống đầy đủ…tôi tưởng tượng ra rất nhiều viễn cảnh xinh đẹp. Không phải tôi sợ vất vả, hay sợ sự nghèo khó nhưng chắc vì viễn cảnh tôi vẽ ra quá khác với thực tế nên tôi không biết phải bắt đầu thế nào. Nhưng dường như thấu hiểu được sự lo lắng của tôi, những anh chị đồng nghiệp nơi đây đã động viên, giúp đỡ tôi rất nhiều.

Vì Đăk Trôi là một xã vùng xa, cách biệt nên việc đi lại của giáo viên cũng khó khăn hơn. Chỉ trừ một số giáo viên lập gia đình, sinh sống tại địa phương ra thì đa số đều ở xa trường. Gần thì ở thị trấn Kon Dơng cách trường khoảng 45km, xa hơn là ở các huyện khác cách trường 70 – 80km. Chính vì vậy, nhà trường đã xây dựng khu tập thể dành cho giáo viên ở lại để thuận tiện cho quá trình làm việc. Chồng xa vợ, vợ xa chồng, bố mẹ xa con cái…những nỗi nhớ chỉ có thể vơi bớt phần nào qua những cuộc gọi, nhìn nhau qua màn hình điện thoại rồi đợi đến cuối tuần mới có thể đoàn tụ. Một số trường hợp con cái còn quá nhỏ, để tiện chăm bẵm thì phải đưa con vào khu tập thể. Sự thiếu thốn từ đồ dùng sinh hoạt cho đến thực phẩm là một sự thiệt thòi cho một đứa trẻ, hay những lúc ốm đau phải vượt mấy chục cây số mới có thể tới bệnh viện. Còn có trường hợp chị đồng nghiệp chuyển dạ ngay trong đêm, tính mạng ngàn cân treo sợi tóc. Khó khăn là thế, thiếu thốn là thế nhưng chính cái khó khăn, thiếu thốn ấy đã gắn kết những con người không máu mũ, ruột già trở thành một gia đình lớn, gia đình mang tên “Đăk Trôi”.

Những anh chị đi trước, truyền lửa nghề cho đàn em tiếp bước theo sau. Cách truyền lửa nghề của họ được thực hiện qua những việc làm thiết thực. Giáo viên vùng sâu không chỉ đơn giản sáng đến lớp, trưa về nhà mà có vuôn vàn sự việc cần phải linh động giải quyết. Việc học của đa số học sinh nơi đây ít được phụ huynh quan tâm, vì cuộc sống mưu sinh, họ đã gửi gắm những ước mơ, hoài bão của con em mình cho thầy cô giáo. Do cuộc sống khó khăn, nhận thức còn hạn chế nên một số học sinh đã bỏ học theo cha mẹ đi làm nương rẫy. Tôi vẫn nhớ như in những lần tất cả giáo viên toàn trường cùng nhau vượt đèo, lội suối đến thung lũng đề tìm các con và thuyết phục phụ huynh cho con em mình tiếp tục được đến trường. Thung lũng không phải là nhà chính mà chỉ là nơi ở tạm để thuận tiện cho việc làm nương rẫy của người dân. Vì ban ngày các con theo cha mẹ đi làm nên chúng tôi chỉ có thể đi lúc chập chiều tối thì mới có thể gặp được. Có lần, hai chị đồng nghiệp trong lúc xổ dốc, thắng xe bị đứt lao thẳng xuống ruộng làm cho mọi người một phen hú vía, ấy vậy mà hai chị vẫn cười hề hề như không có chuyện gì xảy ra. Nghĩ mà thương, vì cái tâm, cái tình với lũ trẻ mà không quản khó nhọc.

Trong quá trình giảng dạy, tôi học hỏi được rất nhiều từ các anh chị đồng nghiệp. Từ các phương pháp giảng dạy đến công tác chủ nhiệm lớp, sự tận tình chỉ bảo của họ đã giúp tôi ngày một tiến bộ, dày dặn kinh nghiệm hơn. Nếu đối tượng học sinh là người kinh thì thuận lợi đầu tiên của giáo viên đó là chung ngôn ngữ, nhưng ở đó đối tượng học sinh của tôi là người đồng bào Ba Na, họ có ngôn ngữ riêng nên việc bất đồng ngôn ngữ là không thể tránh khỏi. Chính vì vậy, việc giảng dạy sẽ thêm phần khó khăn hơn, đòi hỏi người giáo viên phải có những phương pháp thật sự phù hợp với đối tượng học sinh của mình để các em có thể tiếp thu kiến thức một cách trọn vẹn nhất. Bên cạnh đó, nhà trường vẫn luôn chú trọng đến việc tổ chức các sân chơi cho các em để các em được tiếp cận, giao lưu học hỏi, phát huy năng lực của bản thân. Nhận thức được sự khó khăn, thiệt thòi của học trò mình nên từ Ban giám hiệu nhà trường, thầy Tổng phụ trách Đội, Ban chấp hành công đoàn và rất nhiều giáo viên khác khi có cơ hội đều sẽ chia sẻ hoàn cảnh học sinh nơi mình công tác, vận động mong nhận được các món quà từ các đoàn từ thiện, các nhà hảo tâm dành cho con em của mình. Dù chỉ là cái bánh, cái kẹo, bộ quần áo cũ, những chiếc áo ấm cũ cho mùa đông, những chiếc cặp sách, những cái bút, cuốn vở…lớn hơn là những suất học bổng cho các em. Thấy nụ cười trên môi, sự hạnh phúc khi nhận được những món quà nhỏ đó của các em mà lòng tôi như nghẹn lại. Một chữ thương không thể diễn tả hết được…

Còn rất rất nhiều những kỉ niệm tại ngôi trường này mãi mãi ở trong tim tôi. Tôi mong rằng, thầy và trò ở ngôi trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đăk Trôi sẽ có thật nhiều sức khỏe, học tập và giảng dạy thật tốt, cùng giúp cho xã Đăk Trôi ngày càng phát triển. Lửa nghề của các thầy cô sẽ mãi cháy. Bản thân tôi cũng sẽ cố gắng hơn nữa trong sự nghiệp trồng người của mình./.