CẬU HỌC TRÒ ĐẦY NGHỊ LỰC

Lượt xem:

Đọc bài viết

CUỘC THI VIẾT

“NHỮNG KỈ NIỆM SÂU SẮC VỀ THẦY CÔ VÀ MÁI TRƯỜNG”

Họ và tên: Đinh Thị Oanh

Nơi công tác: Trường TH Hoàng Hanh

Địa chỉ: Thôn 6 – xã Ea Bhôk – huyện Cư Kuin- tỉnh Đắk Lắk

Số điện thoại: 0948.295.554

Học sinh: Y Quốc Du. Trường THCS Lê Lợi- xã Đắk Phơi – huyện Lắk- tỉnh Đắk Lắk.

CẬU HỌC TRÒ ĐẦY NGHỊ LỰC

Nhà giáo dục vĩ đại người Tiệp Khắc Comenxki đã từng nói: “Dưới ánh sáng mặt trời, không có nghề nào cao quý bằng nghề dạy học”. Là một người giáo viên, chắc hẳn ai cũng có những kỉ niệm đáng nhớ với học trò của mình. Bản thân tôi đã có gần 9 năm công tác trong nghành giáo dục. Thời gian đó không quá dài cũng không quá ngắn để tôi trải qua nhiều cung bậc cảm xúc với cái nghề mà mọi người vẫn gọi đó là nghề “gõ đầu trẻ”. Nhưng kỉ niệm khó quên trong sự nghiệp trồng Người đến bây giờ vẫn in sâu trong tâm trí là em học trò nhỏ Y Quốc.

Y Quốc là một học sinh nhiều tuổi hơn so với các bạn trong lớp nên nhìn em chững chạc hơn hẳn. Em vốn dĩ là người dân tộc M Nông sinh ra và lớn lên cũng giống như bao đứa trẻ khác tại buôn Đung, xã Đắk Phơi một xã nghèo thuộc huyện Lắk. Là một trong những huyện miền núi cách thành phố Buôn Ma Thuột 60 km. Nơi đây chủ yếu là con em dân tộc thiểu số sống rải rác có điều kiện hoàn cảnh kinh tế khó khăn và Quốc cũng là một trong những em học sinh có hoàn cảnh như vậy.

Khi đến mùa làm nương rẫy, các em lại nghỉ học để ở nhà lên rẫy giúp bố mẹ nên việc vận động các em vô cùng khó khăn. Nhưng vì muốn trao cho các em kiến thức, những con chữ  thì bản thân tôi với lòng yêu nghề đã duy trì sĩ số tỉ lệ chuyên cần cao cho lớp. Quốc là một cậu bé vô cùng đặc biệt em có đôi mắt to tròn, nước da ngăm đen, thân hình em gầy gò. Tuy nhiên, em là một học sinh có thành tích cao trong lớp. Em đi học rất chuyên cần mặc dù trời nắng hay mưa em vẫn đến lớp rất đều đặn. Trong các buổi học em không đi trễ một buổi nào. Nhưng bỗng nhiên em đã không đến lớp hai buổi học khiến cho bản thân tôi rất lo lắng. Tôi đã tìm cách liên lạc với gia đình em nhưng không thể nào liên lạc được vì gia đình em không có số điện thoại, thậm chí tôi đã nhờ người hỏi những người xung quanh nhưng cũng không ai biết tin tức gì hết. Đến buổi học ngày hôm sau em vẫn chưa đi học, tôi không thể mãi chờ như thế. Sau buổi học hôm đó tôi đã hỏi đường để đến nhà em. Trời mưa rả rích, đường rất lầy và khó đi. Đường về nhà em phải vượt qua một con suối, tôi phải để xe và băng qua con suối đó. Tôi chợt nghĩ thật khâm phục ý chí và nghị lực của em. Thế nên trong lòng tôi cảm giác thôi thúc muốn tìm một lí do vì sao một cậu bé nghị lực như vậy mà lại có thể nghỉ học trong mấy ngày liên tiếp mà không hề có lí do. Đi khoảng 30 phút thì tôi đến nhà Quốc, ngôi nhà rợp bằng mái tôn đã cũ lốm đốm những lỗ hở, vách dựng bằng lồ ô nằm sát bên một cánh đồng. Vừa đến, tôi thấy bóng người từ căn nhà chạy ra sau. Tôi gọi: Quốc ơi ! Quốc ơi! Quốc ơi! Nhưng không thấy ai trả lời. Bước vào trong ngôi nhà không có gì quí giá chỉ có duy nhất một chiếc giường đã cũ và một vài đồ dùng sinh hoạt vương vãi khắp nhà. Trên giường là một bé gái đang nằm khoảng 5 tuổi bị tật ở chân nên không đi lại được hỏi ra thì đó là em của Quốc. Một người hàng xóm kể lại nhà em đã bị trận bão cách đây một tuần thổi bay mái, ngôi nhà đang ở là của bà ngoại em cho mượn ở tạm. Vì kinh tế qua khó khăn nên bố mẹ em đi làm rẫy xa một tuần mới về một lần nên Quốc phải ở nhà trông em không thể đến lớp. Nghe xong hoàn cảnh của em tôi lại tự hỏi bản thân mình: Cuộc sống của em khổ thế này sao? Tôi đã thực sự quan tâm đến học sinh của mình chưa?

Trên chuyến xe về nhà mà tôi cứ nghĩ tới cậu học trò đáng thương của mình. Trong lòng tôi cảm thấy như bị nghẹn đắng vướng ở cổ họng mà không thể thốt ra được một lời nào. Bản thân tôi cảm thấy rất bất lực trước những hoàn cảnh khó khăn đặc biệt như là em Quốc. Tối về trằn trọc suy nghĩ tôi quyết định ngày mai sẽ đi tìm em một lần nữa. Sáng hôm sau sau khi dạy xong tôi lại đến nhà em, bước vào nhà thì tôi thấy em đang đút cơm cho em gái. Nhưng vừa thấy bóng dáng tôi em đã bỏ chạy vào bìa rừng. Tôi gọi nhưng em lại chạy nhanh hơn, cứ thế đuổi theo em nhưng với với địa hình xa lạ và khó đi nên tôi đã không thể chạy theo em nữa. Nước mắt tôi cứ thế chảy dài, giá như tôi quan tâm em nhiều hơn để biết hoàn cảnh của em sớm hơn để chia sẻ cùng em. Để em được đến lớp như các bạn vì tôi biết rằng em rất muốn đi học. Tôi không bỏ cuộc, tôi tìm cách để liên lạc với bố mẹ em. Nhưng bố mẹ em vẫn nhất quyết không cho em  đi học vì hoàn cảnh gia đình và trong suy nghĩ  việc học không quan trọng mà còn tốn nhiều thời gian không giúp ích được gì. Thương em tôi đã mang câu chuyện của em để nhờ sự hỗ trợ của Nhà trường kết hợp với Hội cha mẹ học sinh và Ban các sự của lớp đến tận nơi để vận động em đi học lại, thay đổi tư tưởng suy nghĩ của bố mẹ em về việc học là việc quan trọng sẽ giúp em có kiến thức và giúp em có tương lai tươi sáng hơn. Cuộc sống sẽ đỡ vất vả hơn bố mẹ em hiện tại. Những bộ quần áo, những bao gạo, đồ dùng học tập, sách vở,… đã được nhà trường và các nhà hảo tâm tặng cho gia đình em.  Sau khi vận động và lắng nghe những lời chia sẻ đó cũng như những sự quan tâm từ vật chất của các mạnh thường quân và của nhà trường thì gia đình em đã hiểu ra và tạo điều kiện cho em đi học lại. Quốc cũng nhận ra tình cảm của cô cũng như các bạn trong lớp dành cho em.

Thời gian cứ thấm thoát trôi qua ngày tổng kết cũng là ngày mà em hoàn thành chương trình lớp 5 em chạy lại bên tôi cầm trên tay tờ giấy khen em nở nụ cười thật vui và hạnh phúc. Bất ngờ hơn em đã gửi cho tôi một mẫu giấy nhỏ trong đó là những dòng chữ nắn nót của em. “Em cảm ơn công ơn của cô và quãng thời gian năm lớp 3 mà cô đã dạy dỗ em và đã mở ra một cơ hội mới để em có thể bước tiếp. Cô như người mẹ thứ hai của em vậy. Em sẽ thường xuyên về thăm cô.” Đọc được bức thư lòng tôi cảm thấy thật ấm áp vì cậu trò nhỏ của tôi bây giờ đã biết tầm quan trọng của việc học và hiểu được tấm lòng của tôi dành cho em.

   Có một nghề bụi phấn bám đầy tay

Ta vẫn gọi là nghề cao quý nhất

Có một nghề không trồng cây vào đất

Mà cho đời những đóa hoa thơm.

Có một nghề lặng thầm những đêm thâu

Bên đèn khuya miệt mài trang giáo án

Giọt mồ hôi rơi nhòe trang giấy
Đó là nghề, nghề giáo tôi yêu./.